Động lực mới phát triển ngành Logistics Đà Nẵng

Vai trò đầu mối

Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC) là chương trình phát triển kinh tế được khởi xướng tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8 tại TP. Manila (Philippines) vào năm 1998. Chương trình nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập cho các nước trên tuyến hành lang.

Với tổng chiều dài 1.450 km, Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua 4 nước, bắt đầu từ TP. Mawlamyine (Myanmar), qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam (tại TP. Đà Nẵng).

Là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối trực tiếp các thị trường nội địa và quốc tế, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp Đà Nẵng có thể mở rộng giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Trong đó, cảng Đà Nẵng – cảng biển có quy mô lớn nhất miền Trung chính là điểm khởi đầu của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương.

Có thể nói, Đà Nẵng đang khẳng định được vị thế là trung tâm thương mại, dịch vụ logistics của khu vực, khi tổng lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đứng hàng đầu trong hệ thống cảng biển miền Trung.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, năm 2023, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt 12,208 triệu tấn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã đạt hơn 10,3 triệu tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi phát huy vị thế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây khi các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên đã đầu tư xây dựng.

Trong tổng lượng hàng hóa này, một phần không nhỏ sau khi cập cảng Đà Nẵng được vận chuyển đến các nước Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây (qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Quảng Trị).

Ngoài cảng biển, Đà Nẵng còn có hệ thống sân bay quốc tế, giúp kết nối với các quốc gia và thành phố lớn trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và du khách. Vị trí này giúp Đà Nẵng trở thành một trung tâm logistics tiềm năng trong khu vực, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế với các quốc gia thuộc Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Các chuyên gia nhận định, Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi trong việc phát huy vị thế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây khi các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên đã đầu tư xây dựng và sẽ được nâng cấp mở rộng trong năm 2025.

Cảng Đà Nẵng là điểm khởi đầu của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương

Phát huy lợi thế

Dù đã khẳng định được vị thế là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về hạ tầng, trong bối cảnh sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các địa phương khác cũng trên tuyến này trong tương lai gần. Nhất là khi cả Thừa Thiên Huế và Quảng Trị – những địa phương có nhiều lợi thế tương tự (về vị trí địa lý, sở hữu cảng biển, sân bay và các tuyến giao thông quan trọng đi qua) cũng đang xác định logistics là ngành kinh tế trọng điểm cần ưu tiên phát triển trong tầm nhìn trung và dài hạn.

Trong đó, Quảng Trị là địa phương có nhiều nỗ lực trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics mới của khu vực thông qua việc đầu tư cảng biển Mỹ Thủy, sân bay Quảng Trị, cũng như nghiên cứu đầu tư cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo, Quốc lộ 15D và các trung tâm kho vận lớn dọc tuyến Quốc lộ 9, nhằm khai thác lợi thế là điểm đầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây tại Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhìn nhận, trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang vươn lên bứt phá mạnh mẽ, điển hình như Quảng Nam, Bình Định hay các tỉnh Bắc Trung Bộ đều có quyết tâm rõ nét trong phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại, thì Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu, trọng điểm trong phát triển kinh tế khu vực miền Trung. Đặc biệt là phát triển dịch vụ logistics nhằm phát huy lợi thế của địa phương, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Ông Hải cho biết, với vai trò cơ quan đầu mối phát triển logistics quốc gia, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Đà Nẵng, cũng như với các địa phương khác trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng, thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics; báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia.

Được biết, để phát huy tối đa các lợi thế, Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics. Trong đó, cảng Đà Nẵng không chỉ là một cơ sở trung chuyển hàng hóa quan trọng, mà còn được nâng cấp để có thể phục vụ các tàu trọng tải lớn.

Mới đây, Bộ Giao thông – Vận tải đã chấp thuận để cầu cảng số 1 bến Tiên Sa (thuộc cảng Đà Nẵng) có thể đón tàu có trọng tải tới gần 50.000 DWT từ quý IV/2024. Đồng thời, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cũng đưa vào khai thác Khu bãi sau cầu cảng số 4, 5, bến cảng Tiên Sa, với tổng diện tích 37.415 m2, có sức chứa xấp xỉ 110.000 teus. Theo Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, tính đến nay, Cảng Đà Nẵng đã có 1.700 m cầu tàu, có thể tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEUs, tàu khách đến 170.000 GT.

Đặc biệt, Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (gần chân đèo Hải Vân) với quy mô 450 ha, nhằm từng bước giải tỏa áp lực và thay thế dần công năng cho cảng Đà Nẵng. Đồng thời, Thành phố cũng tập trung quy hoạch, phát triển các khu logistics, các trung tâm kho bãi mới có quy mô lớn đi kèm để tối ưu hóa việc vận chuyển và phân phối hàng hóa. Điều này giúp Thành phố không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ các hoạt động xuất khẩu qua cửa ngõ Biển Đông.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ, bên cạnh việc nâng cấp cảng biển, Đà Nẵng cũng chú trọng phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt và các kết nối vận tải liên vùng, đặc biệt là các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Hòa Liên – Túy Loan qua địa bàn Thành phố, nhằm tăng cường kết nối với các tỉnh miền Trung, miền Nam và các quốc gia trong khu vực như Lào và Thái Lan.

“Việc phát triển hạ tầng logistics sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa Đà Nẵng và các thị trường quốc tế. Từ đó góp phần hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ và đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm logistics của khu vực, là cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông – Tây”, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Việc nằm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây và là cửa ngõ ra biển góp phần giúp TP. Đà Nẵng phát huy lợi thế, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, logistics của khu vực.